Những khó khăn của Huawei khi từ bỏ Android

Để đáp ứng nhu cầu ủng hộ sản phẩm nội địa từ người tiêu dùng Trung Quốc, nhiều nhà phát triển đã nhanh chóng cho ra mắt ứng dụng dành cho HarmonyOS, mặc dù họ vẫn chưa hoàn thiện.

Huawei giới thiệu hệ điều hành HarmonyOS Next vào tháng 6, đánh dấu một bước phát triển quan trọng đối với tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc. Hệ điều hành này được nhiều người xem là một tuyên bố nhằm khẳng định sự độc lập khỏi Android của Google, đồng thời là nền tảng để Huawei phát triển một hệ sinh thái tự chủ cho các thiết bị thông minh.

Chất lượng chưa tương xứng

Richard Yu, Giám đốc điều hành bộ phận kinh doanh tiêu dùng của Huawei, đã kêu gọi sự hợp tác giữa các công ty công nghệ và Internet tại Trung Quốc để tham gia vào hệ sinh thái HarmonyOS.

Kể từ lời kêu gọi đó, hơn 5.000 doanh nghiệp đã tham gia vào nền tảng này. Đã có 1.500 ứng dụng có thể tải về từ cửa hàng ứng dụng của Huawei. Tuy nhiên, đằng sau những con số ấn tượng này là nhiều thách thức lớn đang đặt lên vai các nhà phát triển.

Trước áp lực từ xu hướng “hệ điều hành nội địa”, nhiều công ty buộc phải nhanh chóng phát hành ứng dụng cho HarmonyOS. Điều này dẫn đến một hệ quả không mong muốn: nhiều ứng dụng được ra mắt chỉ ở dạng demo chưa hoàn thiện.

Các nền tảng lớn như Taobao, NetEase, iQIYI và Xiaohongshu đã tung ra ứng dụng trên HarmonyOS, nhưng chúng vẫn chưa hoàn chỉnh, chỉ cung cấp một số chức năng hạn chế và trải nghiệm người dùng không tốt.

Phân tích từ Nikkei về 28 ứng dụng phổ biến tại Trung Quốc cho thấy chỉ có 3 ứng dụng hoàn toàn tương thích với HarmonyOS. 13 ứng dụng có phiên bản demo sẵn có và 10 ứng dụng còn lại vẫn đang trong giai đoạn phát triển đầu. Ngay cả ByteDance, một gã khổng lồ công nghệ mà Huawei xem là đối tác quan trọng, cũng chưa có tiến triển đáng kể trong việc tùy biến ứng dụng cho hệ điều hành mới này.

HarmonyOS của Huawei khiến giới công nghệ Trung Quốc rơi vào tình thế khó xử. Ảnh: SCMP
HarmonyOS của Huawei khiến giới công nghệ Trung Quốc rơi vào tình thế khó xử. Ảnh: SCMP

Vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn do áp lực từ dư luận và chính trị. Công chúng mong đợi các nhà phát triển sẽ tuân theo định hướng của Huawei với HarmonyOS. Sự phê bình từ xã hội đối với những công ty chậm thích ứng như Tencent và ByteDance càng thúc đẩy các nhà phát triển nhanh chóng phát hành ứng dụng, mặc dù chúng vẫn chưa hoàn thiện.

Kết quả là, nhiều tính năng quan trọng vẫn còn thiếu trong các ứng dụng của HarmonyOS. Khi thử nghiệm ứng dụng Douyin (phiên bản TikTok tại Trung Quốc) trên Huawei Mate60 sử dụng HarmonyOS Next, người dùng nhận thấy rằng các chức năng thiết yếu như Douyin Mall, tìm kiếm và cổng thanh toán đều không có mặt.

Các ứng dụng khác như Taobao chỉ cho ra mắt phiên bản demo hạn chế, trong khi Youku của Alibaba yêu cầu người dùng sử dụng Alipay cho các giao dịch thay vì hệ thống thanh toán Petal của HarmonyOS.

Đặc biệt, mọi sự chú ý đang tập trung vào dòng smartphone flagship đầu tiên của Huawei được tích hợp sẵn HarmonyOS Next, đó là Mate 70, dự kiến sẽ ra mắt vào ngày 30/9. Tuy nhiên, các nguồn tin hiện tại cho biết việc ra mắt có thể bị hoãn lại do tiến độ phát hành trên toàn ngành chậm hơn so với dự kiến.

Các nhà phát triển bị buộc phải hỗ trợ Huawei.

Theo Nikkei, những người ủng hộ Huawei đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nhanh chóng hệ sinh thái HarmonyOS, dù còn nhiều thiếu sót. Sau Hội nghị Nhà phát triển của Huawei diễn ra vào tháng 6, dư luận đã nhanh chóng chỉ trích những công ty không kịp thích ứng, đặc biệt là Tencent và ByteDance.

Cộng đồng mạng đã tán dương hệ điều hành mới, khiến các nhà phát triển buộc phải sớm giới thiệu các ứng dụng demo. Áp lực từ công chúng đã trở thành một công cụ mạnh mẽ, thúc giục các nhà phát triển tuân thủ lịch trình mà Huawei đặt ra.

Ví dụ, sau khi Apple ra mắt iPhone 16 vào ngày 10/9, Huawei lập tức cho ra mắt smartphone gập 3 Mate XT trong cùng ngày đó. Trên Weibo, Huawei chiếm tới 10 trong số 31 chủ đề thịnh hành, trong khi Apple chỉ có 3. Giữa 27.695 bình luận, có đến 64,4% dành lời khen cho HarmonyOS về hiệu suất hoạt động mượt mà. Đây là một tỷ lệ đáng chú ý khi HarmonyOS hiện chỉ nắm giữ 17% thị trường Trung Quốc.

Điều này chứng tỏ sức ảnh hưởng của Huawei đối với dư luận. Đồng thời, công ty đã khéo léo tận dụng quyền lực đó để tạo nên cơn sốt cho sản phẩm của mình.

Tuy nhiên, sự hào hứng này cũng có thể gây ra những phản ứng trái chiều. Một người dùng đã chỉ trích chiến lược marketing của Huawei và nhận được gần 100 bình luận tiêu cực, nhiều trong số đó mang tính chất công kích cá nhân.

Những Khó Khăn Của Huawei Khi Từ Bỏ Android 02
Smartphone gập 3 của Huawei vừa được ra mắt cùng đợt với iPhone 16. Ảnh: Huawei

Đối với các lập trình viên phần mềm, việc tùy chỉnh ứng dụng cho HarmonyOS là một thách thức lớn. Họ cần phải thiết kế lại giao diện và đảm bảo sự tương thích trên nhiều loại thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính bảng và đồng hồ thông minh. Nhiều nhà phát triển quyết định hỗ trợ HarmonyOS không chỉ vì lợi nhuận mà còn để duy trì mối quan hệ tốt với Huawei, theo nhận định của Nikkei.

Thực tế, mục tiêu của Huawei với HarmonyOS không chỉ nhằm cạnh tranh với iOS và Android. Công ty mong muốn tái hiện thành công của Apple – tạo ra nguồn doanh thu từ hệ sinh thái. Báo cáo tài chính gần đây từ Apple cho thấy các dịch vụ, chẳng hạn như phí App Store hay còn gọi là “thuế Apple”, hiện đóng góp 28% vào tổng doanh thu của công ty.

Chiến lược này cũng mở rộng sang phần cứng ngoài điện thoại thông minh, bao gồm các thiết bị đeo, thiết bị nhà thông minh và những thiết bị kết nối Internet khác, tất cả đều hoạt động trên nền tảng HarmonyOS. Với việc xây dựng một hệ sinh thái thống nhất, Huawei hướng đến việc tạo dựng lòng trung thành từ người dùng trên nhiều thiết bị khác nhau, củng cố vị thế của mình trong ngành công nghệ tại Trung Quốc.

Theo Znews

Viết một bình luận